Bạn đang quan tâm đến vấn đề thuế chống bán phá giá thép nhập khẩu các loại? Lô hàng nhập khẩu của bạn đang chịu sắc thuế này? Những băn khoăn lo lắng này hoàn toàn có cơ sở, bởi lẽ nhiều nhóm sắt thép phải chịu mức thuế chống bán phá giá khá cao. Bài viết dưới đây của Finlogistics sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quát nhất về loại thuế này, cũng như những quy định pháp lý liên quan, cùng theo dõi nhé!
Tổng quan về thuế chống bán phá giá thép đối với doanh nghiệp nhập khẩu
Đầu tiên, bạn cần phải hiểu khái niệm thuế chống bán phá giá là gì? Điều 4, Luật Thuế xuất nhập khẩu năm 2016 nêu rõ: “Thuế chống bán phá giá là một loại thuế nhập khẩu bổ sung, được áp dụng khi hàng hoá bán phá giá nhập khẩu vào thị trường Việt Nam gây ra hoặc đe dọa, gây ra thiệt hại lớn cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành, phát triển của ngành sản xuất trong nước“.
Tại Việt Nam, thuế chống bán phá giá thép đóng vai trò then chốt trong chính sách bảo vệ ngành sản xuất thép nội địa. Thông qua việc áp thuế, các nhà sản xuất thép trong nước có thể duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Loại thuế này được áp dụng đối với sản phẩm thép nhập khẩu từ những quốc gia có hành vi bán phá giá, giúp tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn cho các doanh nghiệp trong nước.
>>> Đọc thêm: Hướng dẫn cụ thể các bước thủ tục nhập khẩu thép ống mới nhất
Cơ sở pháp lý và quy trình áp dụng thuế chống bán phá giá thép
Theo Luật Quản lý Ngoại thương và những quy định của WTO, Bộ Công Thương có thẩm quyền điều tra và áp dụng thuế chống bán phá giá thép nhập khẩu vào Việt Nam. Quá trình này bao gồm nhiều bước, từ việc tiếp nhận yêu cầu điều tra từ các nhà sản xuất trong nước, tiến hành điều tra để xác định có hay không hành vi bán phá giá, cho đến khi đưa ra quyết định áp thuế phí.
Quy trình điều tra chống bán phá giá thường sẽ bao gồm hai giai đoạn chính: điều tra sơ bộ và điều tra chính thức. Nếu có đầy đủ bằng chứng cho thấy sản phẩm thép nhập khẩu của doanh nghiệp bán phá giá gây thiệt hại cho ngành thép trong nước, Bộ Công Thương sẽ đưa ra quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá cho lô hàng.
Ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá thép tới doanh nghiệp nhập khầu
Việc áp dụng thuế chống bán phá giá thép không chỉ làm tăng chi phí nhập khẩu cho doanh nghiệp, mà còn gây nên nhiều khó khăn khác như:
- Chi phí nhập khẩu tăng cao: Thuế chống bán phá giá khiến giá bán thép nhập khẩu trở nên đắt hơn, gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp sử dụng thép làm nguyên liệu.
- Giảm sức cạnh tranh của thép nhập khẩu: So với sản phẩm thép sản xuất trong nước, thép nhập khẩu bị áp thuế sẽ kém cạnh tranh về giá bán. Điều này làm thay đổi cơ cấu của thị trường, gây khó khăn cho những doanh nghiệp nhập khẩu.
- Phát sinh rủi ro trong quản lý thuế: Các doanh nghiệp nhập khẩu có thể đối mặt với nguy cơ bị truy thu tiền thuế hoặc phải làm thủ tục bổ sung, nhất là khi chính sách thuế chống bán phá giá thép sẽ được rà soát và thay đổi định kỳ.
Những Quyết định hiện hành đối với thuế chống bán phá giá thép
Bộ Công Thương hiện nay đã ban hành và áp nhiều loại thuế chống bán phá giá thép các loại, nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau. Dưới đây là một số quyết định có liên quan và còn hiệu lực bạn có thể tham khảo:
- Quyết định số 3390/QĐ-BCT áp dụng mức thuế từ 4,43 – 25,22% đối với sản phẩm thép cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc.
- Quyết định số 1640/QĐ-BCT áp dụng mức thuế từ 22,09 – 33,51% đối với sản phẩm thép hình chữ H nhập khẩu từ Trung Quốc.
- Quyết định số 3198/QĐ-BCT áp dụng mức thuế từ 2,53 – 34,27% cho các sản phẩm thép phủ màu (tôn màu) nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Bổ sung thêm bằng Quyết định số 2822/QĐ-BCT, gia hạn thêm 05 năm (từ ngày 24/10/2024 đến 23/10/2O29) về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
- Quyết định số 3162/QĐ-BCT, áp thuế từ 3,07 – 37,29% đối với sản phẩm thép hợp kim và thép không gỉ nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan.
- Quyết định số 3023/QĐ-BCT, rà soát và áp thuế từ 4,02 – 19,25% đối với sản phẩm thép mạ kẽm nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
- Quyết định số 1535/QĐ-BCT, khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với các loại thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
- Quyết định số 1985/QĐ-BCT, khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với các loại thép cán nóng từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Tất cả những quyết định đối với thuế chống bán phá giá thép này là một phần trong chiến lược bảo vệ ngành sản xuất thép tại Việt Nam, nhằm hạn chế số lượng thép nhập khẩu giá rẻ, có nguy cơ gây thiệt hại lớn cho những nhà sản xuất trong nước.
>>> Đọc thêm: Quy trình làm thủ tục nhập khẩu thép không gỉ gồm những bước nào?
Một số biện pháp ứng phó đối với thuế chống bán phá giá thép
Trước những thách thức của việc áp thuế chống bán phá giá thép nói chung, các doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng và linh hoạt để bảo vệ, duy trì hoạt động kinh doanh của mình:
- Theo dõi những chính sách, quy định mới: Việc cập nhật chính sách và quy định của Bộ Công Thương thường xuyên rất quan trọng, giúp các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời những thông tin và điều chỉnh chiến lược nhập khẩu hợp lý.
- Chọn lựa nhà cung cấp uy tín, minh bạch: Doanh nghiệp nên hợp tác với những nhà cung cấp uy tín, có hồ sơ minh bạch, không bán phá giá và sở hữu quy trình xuất khẩu phù hợp, giúp giảm thiểu nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá.
- Tìm nguồn cung từ quốc gia không bị áp thuế: Việc đa dạng hóa nguồn cung từ những quốc gia không thuộc Danh mục bị áp thuế chống bán phá giá sẽ giúp các doanh nghiệp ổn định giá bán và duy trì sức cạnh tranh trên thị trường.
- Chuẩn bị kỹ hồ sơ chứng minh không bán phá giá: Khi được yêu cầu, doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng các loại giấy tờ, chứng từ nhằm chứng minh mặt hàng thép nhập khẩu không bán phá giá hoặc yêu cầu rà soát lại mức thuế nếu không phù hợp.
- Xem xét lại những yêu cầu rà soát định kỳ: Thuế chống bán phá giá thép thường được điều chỉnh sau một thời gian dài áp dụng. Do đó, doanh nghiệp nhập khẩu có quyền yêu cầu Bộ Công Thương rà soát và điều chỉnh lại mức thuế hợp lý nếu có bằng chứng cho thấy mặt hàng không còn bị bán phá giá.
Tổng kết
Thuế chống bán phá giá thép chính là biện pháp tối ưu nhằm bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước trước áp lực từ nguồn cung thép nhập khẩu giá thấp từ nước ngoài. Với những mức thuế áp dụng đối với mặt hàng thép các loại từ nhiều quốc gia, thuế chống bán phá giá ảnh hưởng không nhỏ tới chi phí nhập khẩu và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Liên hệ ngay với đội ngũ Finlogistics để được tư vấn và hỗ trợ các bước thủ tục nhập khẩu sắt thép các loại.
Finlogistics
Thông tin liên hệ:
- Hotline: 0243.68.55555
- Phone/Zalo: 0963.126.995 (Mrs.Loan)
- Email: info@fingroup.vn